Mong mỏi của nghệ nhân cuối cùng làm đàn tính
Tôi luôn muốn làm ra được những chiếc đàn mà vừa nhìn người ta đã thấy thích nên hơn 20 năm qua tôi vừa chế tác vừa tìm cách cải tiến để tạo ra được cây đàn không chỉ có hình thức đẹp mà còn phải cho ra âm thanh với chất lượng cao nhất.
Được sinh ra tại cái nôi của Then, thị trấn Lộc Bình, nghệ sĩ Vi Tơ luôn mang trong mình tình yêu sâu sắc với tiếng sáo trúc, đàn tính, những câu hát then, điệu sli, điệu lượn. Vì thế, ông đã quyết tâm và thi đậu hệ Trung cấp, Khoa Âm nhạc Dân tộc, Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn Văn công tỉnh Lạng Sơn và bắt đầu trình diễn sáo trúc và được giao thêm nhiệm vụ thẩm âm từng cây đàn tính cho các nghệ sĩ biểu diễn. Rồi không biết từ bao giờ niềm đam mê tìm hiểu về cây đàn tính dấy lên trong ông.
Người nghệ sĩ chia sẻ
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người nghệ sĩ không những chia sẻ về công việc làm đàn mà còn nói về tâm huyết và mong mỏi của ông dành cho những thế hệ trẻ đã có trong mình ít nhiều tình yêu dành cho âm nhạc, văn hóa dân tộc, dành cho đàn tính.
Ông cho rằng họa tiết trên cần đàn có tác động không nhỏ đến cảm xúc của người đàn vì thế đầu mỗi cần đàn ông đều khắc thành hình đầu rồng theo thế phi hoặc thế phục để tạo cảm giác thăng hoa. Một yếu tố quan trọng không kém đó là bầu đàn. Để âm thanh vang lên đúng và hay nhất, phải dùng quả bầu tròn đều, không bị nám, độ lớn vừa phải, vỏ bầu không quá mỏng hoặc quá dày. Ông nhấn mạnh không được tùy tiện chọn bầu ngoài vườn vì hình dạng bầu phát triển tự nhiên.
Thiếu một người để truyền nghề
Người nghệ nhân ấy đã nắm trong tay tất cả những kiến thức, kĩ năng để thỏa sức sáng tạo hay như ông hay nói là “phá phách” cây đàn tính. Ông có thừa đam mê và tình yêu cho cây đàn, cộng thêm năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Nhưng ông lại thiếu một điều duy nhất – một người để truyền nghề.
Đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm, mà trong từng câu nói của ông chúng tôi vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết. Cách ông cầm từng bộ phận của cây đàn một cách nâng niu, cách ông giới thiệu tỉ mỉ về cách chế tác, cách ông tự hào nhìn về phía vườn bầu tự trồng làm chúng tôi vô cùng cảm động. Và điều đánh gục cảm xúc của chúng tôi là tiếng thở dài cùng cái mỉm cười đượm buồn của ông khi nhắc đến tương lai của việc chế tác.
Ông Vi Tơ đã dành cả cuộc đời mình để chế tác, bảo tồn cây đàn tính – thứ đàn dân tộc không thể thiếu trong mỗi làn điệu Then.
Ông chỉ mong giới trẻ hãy yêu văn hóa dân tộc trước đã rồi hẵng yêu tới những điều xa xôi ngoài kia. Ông hi vọng những người trẻ ở địa phương có cái nhìn đúng hơn về cây đàn tính từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, văn hóa dân gian. Điều ông mong mỏi nhất có lẽ là một ngày nào đó, sẽ có người tìm tới ông, xin ông truyền lại nghề cho mình.
Nguồn: Tổng hợp